Trang chủ > Giáo dưỡng con trẻ > Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

cute-baby11

Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Mới đó mà đã hơn 30 năm! Thời gian trôi nhanh thật. Những chú nhóc ngày nào được các bà mẹ, ông bố trẻ lo âu thắc thỏm bế đến tôi thì nay đã lại thấy ẳm những chú nhóc khác- là con của chú- đến nữa rồi… Vẫn những âu lo đó. Vẫn những băn khoăn thắc mắc đó. Dù khoa học kỹ thuật, dù y học đã thay đổi, tiến bộ không ngừng mà tấm lòng người làm cha, làm mẹ thời nào cũng vậy, chẳng mấy chút đổi thay. Còn các bà mẹ, ông bố lúng túng lọng cọng ngày nào bây giờ đã là những ông bà nội ngoại, mà vẫn cứ còn lọng cọng lúng túng như xưa dù tóc đã bạc màu với tháng năm, vẫn tất tả lo toan thay ba mẹ bé bận bịu trăm công ngàn việc.

Nhiều bà nội bà ngoại kêu ca vất vả mà trong ánh mắt như tràn ngập niềm vui bởi đuợc nựng nịu, bồng bế, chăm sóc bé, đôi khi còn không tin tưởng lớp trẻ, bảo chúng nó chẳng biết gì, chỉ biết…đẻ thôi! Thời đại chúng ta bây giờ mọi việc trở nên không đơn giản, hình như còn lắm nỗi khó khăn hơn cho bà mẹ trẻ. Truyền thông tiếp thị đi vào mọi ngõ ngách, vào giấc ngủ, bữa ăn, gây bao nỗi hoang mang. Con người như ngày càng xa rời thiên nhiên, ngày càng  bị cuốn hút vào dòng xoáy của những lệ thuộc, của những nhu cầu giả tạo.  Nhiều ông bố bà mẹ bây giờ mặc sức tranh cãi và thậm chí đem đủ thứ sách trích dẫn Tây, Tàu để giành phần thắng mà cuối cùng chỉ tội nghiệp đứa trẻ bơ vơ hơn bao giờ hết! Mọi thứ cứ như máy móc hoá, kế hoạch hoá. Bố mẹ bận bịu làm ăn, đầu tắt mặt tối, giao cho người khác nuôi con. Tôi có dịp gặp những bà mẹ  cân đong đo đếm đến từng gram bột đường, từng gram trái cây, mà bé cứ ngày còm cõi, bơ phờ; tôi có dịp gặp những bà mẹ có hẳn một thực đơn phong phú tính từng calori, với hằng chục thức ăn thay đổi liên tục trong tuần mà trẻ cứ còi cọc, không phát triển! Trẻ không biết nói, không biết kêu ca, bị ép ăn như một cái máy, ép nghe nhạc cổ điển tậy phương…  Nếu trẻ kêu lên được, tôi nghĩ có lẽ chỉ kêu một tiếng, mẹ ơi, con cần mẹ, con cần mùi mồ hôi của mẹ, cần tiếng ru của mẹ, cần vòng tay của cha, bờ vai của cha. Điều  thú vị là trong khi đó, tại các nước phát triển lại có  phong trào “về nguồn”, sinh đẻ tự nhiên, nuôi con phù hợp với từng đứa trẻ, cho bú sữa mẹ lâu dài, cho trẻ gần gũi với thiên nhiên…

Tôi chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã cho tái bản (lần thứ 12) cuốn sách này- được cập nhật và bổ sung đầy đủ- nhân dịp tôi chính thức về hưu như  một món quà nhỏ gởi đến các ông bố,bà mẹ trẻ mới sinh con đầu lòng. Cuốn sách là những lời tâm tình, chia sẻ của một người vừa là thầy thuốc vừa là người cha những năm xưa nay đã trở thành ông nội, ông ngoại của mấy nhóc nhỏ rồi!

Thời gian trôi nhanh thật!

TP. HCM tháng 3-2006
BS Đỗ Hồng Ngọc

Category: Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng  | Tags: BS Đỗ Hồng Ngọc, BS Do Hong Ngoc, Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng

You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

3 Responses

  1. Nguyên Thuần nói:

Tháng Năm 13, 2009 lúc 3:52 chiều

Kinh thưa Bác,

Con là Minou – là con gái của “Phan Như”. Năm ngoài me con qua Mỹ có đem theo quyển “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” của bác cùng lời đề tặng cho con. Con rất cảm động và rất muốn gởi lời cảm ơn đến bác. Gần một năm sau, con mới viết được những dòng cảm ơn này gởi đến bác do ba con mới cho con địa chỉ website này sáng nay. Ba con dặn con và chị con nhớ vào đọc thường xuyên để biết rõ hơn chuyện nuôi dạy con.

Con xin được cảm ơn bác đã tặng con một quyển sách rất hữu ích cho những ngày đầu làm mẹ bỡ ngỡ của mình!

Con xin được kính chúc bác và gia đình được nhiều sức khoẻ!

Con,
Minount

  1. admin nói:

Tháng Năm 14, 2009 lúc 8:47 chiều

Bài thấy trên một blog:

Cuốn sách yêu thích của mẹ

Chính là cuốn sách mà mẹ đã trích một phần trong đó làm lời ngỏ cho cuốn nhật ký này. Cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” của bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc.
Ngay từ hồi nhỏ, mẹ khá là thích đọc. Đọc đủ thứ. Báo có, tạp chí có, truyện tranh có, tiểu thuyết có, truyện dài kỳ có và cả truyện chưởng cũng có. Đến bây giờ mẹ cũng vẫn còn giữ vài bộ truyện tranh (Conan, Songoku), vài bộ truyện dài kỳ thiếu niên (TKKG, Kính vạn hoa, Harry Potter…), vài cuốn tiểu thuyết,… Chỉ có điều, mẹ đọc hay quên, đọc đi rồi đọc lại vẫn thấy như mới!

Vì thế, khi chuẩn bị sinh con, mẹ cũng vừa đi mượn, vừa đi lùng vài cuốn sách làm cẩm nang để chuẩn bị cho con chào đời. Và cuốn sách ấn tượng nhất với mẹ chính là cuốn của bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc.

Cuốn sách này mẹ vô tình tìm thấy được trong tủ sách của nhà mình ở Nam Định. Bìa sách đã cũ, hình ảnh không còn được tươi mới, giấy in đã sờn nhưng không hiểu sao mới đọc lướt vài trang mẹ đã thấy rất ấn tượng. Bác sỹ Ngọc không phải viết theo phong cách của một bác sỹ cho các đồng nghiệp, không phải cho thân nhân người bệnh, cũng không phải theo khuôn mẫu của một sách giáo khoa khô khan. Bác sỹ viết như người bạn viết cho người bạn, người anh, người chú lớn tuổi nhiều kinh nghiệm viết cho những người em bắt đầu làm bố, làm mẹ. Lời lẽ thân thiện, dễ gần, hình ảnh sống động, dễ hiểu, trình bày khoa học, dễ tra cứu. Quả thực, mẹ học được rất nhiều từ cuốn sách và cũng đã nhiều lần cuốn sách đã giải tỏa cho mẹ những ưu tư như chuyện “sa ruột rốn”, chuyện tiêm phòng, chuyện ăn uống,.. của con, rồi cả những hủ tục, những quan niệm sai lầm khi nuôi con của các bà mẹ ngày xưa.

Mẹ rất thích cuốn sách, đọc đi đọc lại nhiều lần, ngẫm nghĩ những điều nằm ngoài chuyên môn mà bác sỹ Ngọc đã gửi gắm. Mẹ cảm thấy việc sinh con, nuôi con ý nghĩa hơn. Mẹ cũng cảm thấy trách nhiệm của bố và mẹ lớn lao hơn khi giờ đây, bố mẹ là người cha, người mẹ và trước kia, bố mẹ cũng là những người con bé bỏng và ông bà nội ngoại đã phải vất vả ra sao mới có bố mẹ, có con như bây giờ.

Mẹ tìm hiểu nguồn gốc của cuốn sách thì hóa ra, đây là cuốn sách mà bố con ngày trước đã tặng cho bác Quý khi bác Quý chuẩn bị sinh anh Dũng (năm 1994). Có lẽ mẹ phải cảm ơn bác Quý rất nhiều vì đã giữ được cuốn sách đến bây giờ để mẹ được đọc, được học cái bản lĩnh khi nuôi con của bác.

Và hình như, đây cũng là cái duyên của bố và mẹ!

Nov 18, 2007

  1. Bac Si Do Hong Ngoc nói:

Tháng Năm 17, 2009 lúc 8:28 chiều

Cam on chau. Bac va Bo Phan Nhu cua chau van thuong gap nhau qua dien thoai, email. Bo chau ngay cang viet hay va viet nhieu.
Bac chuc cac chau khoe, vui.
Bac Ngoc.

( nguồn: dohongngoc.com )

Chuyên mục:Giáo dưỡng con trẻ
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này