Lưu trữ

Archive for the ‘Giáo dưỡng con trẻ’ Category

Đức Phật Dạy Con Như Thế Nào

450566122_18dedfb00a_o

Đức Phật Dạy Con Như Thế Nào
Gil Fronsdal

(Nguyên tác: “The Buddha as a Parent”, Tạp chí Inquiring Mind, số Xuân 2008)

Ngày nay, hầu như người Phật tử nào cũng biết rằng Thái tử Tất Đạt Đa, tức Đức Phật sau này, đã lìa bỏ gia đình của mình để đi tìm con đường giải thoát vào chính cái ngày La Hầu La — đứa con trai [duy nhất] của Ngài — chào đời. Nhiều người cảm thấy không thoải mái, thậm chí tức giận, trước một hành động mà họ cho là “thiếu trách nhiệm” như vậy. Song, có một điều họ chưa biết, đó là sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật đã trở thành người dạy dỗ chính cho con trai của mình trong suốt thời niên thiếu, kể từ khi La Hầu La lên 7 tuổi, và Ngài đã là một người cha tuyệt vời: La Hầu La đã đạt được giác ngộ ở tuổi mới bắt đầu trưởng thành [20]. Vậy, ta hãy tự hỏi, Đức Phật là một người cha như thế nào? Phương pháp dạy con của Ngài ra sao? Làm thế nào một bậc giác ngộ trao truyền những giá trị tâm linh của mình cho con cái?

Kinh điển không đề cập nhiều đến mối quan hệ cha-con giữa Đức Phật và La Hầu La, nhưng đâu đó có để lại vài mẩu chuyện thú vị về việc Đức Phật đã dẫn dắt con mình như thế nào trên con đường trưởng thành. Các bộ kinh trước đó thường nói về việc La Hầu La đã trở thành đồ đệ của Đức Phật như thế nào, nhưng phần lớn những mẩu chuyện này nằm trong 3 bài pháp mà, nếu ta gom chúng lại với nhau, nó chính là một tiến trình liên tục của con đường dẫn tới giác ngộ: lúc La Hầu La 7 tuổi, Đức Phật dạy cho con về đạo đức; lúc La Hầu La 10 tuổi, Đức Phật dạy cho con thiền; và lúc 20 tuổi, Ngài dạy về tuệ giác giải thoát. Quá trình trưởng thành của La Hầu La, vì vậy, tiến triển song song với tiến trình giác ngộ của Đức Phật.

Khi con trai của tôi tròn 7 tuổi, tôi bắt đầu suy tư về việc làm cách nào để dẫn dắt nó và em trai của nó trên con đường tâm linh. Ít nhất, tôi muốn chúng nó học và thực hành Phật pháp đủ để sau này lớn lên chúng có thể trở về với những tiềm lực đó nếu chúng thích hay cần đến. Tôi cũng nghĩ rằng nếu các con tôi có thể nương tựa nơi Phật pháp, thì sau này, dù đang ở bất cứ nơi đâu, chúng cũng có thể quay về với cái mái ấm đó. Nhất là, vì đối với tôi, gia tài lớn nhất mà tôi có được qua sự thực tập Phật pháp là sự an lạc, thảnh thơi, và lòng từ bi, tôi tự hỏi làm cách nào tôi có thể trao truyền cái gia tài tâm linh đó lại cho thế hệ sau. Được biết La Hầu La bắt đầu được Đức Phật dạy dỗ từ năm 7 tuổi, tôi lục tìm trong những bản kinh tiếng Pali để học lấy những phương pháp mà Đức Phật đã sử dụng để dạy dỗ con của Ngài.

Tôi tìm thấy trong các bản kinh này cách làm thế nào để lại một di sản tâm linh thật đẹp. Sáu năm sau khi Đức Phật rời bỏ gia đình, và một năm sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật trở về kinh thành. La Hầu La, lúc ấy 7 tuổi, theo lời mẹ, chạy đến bên cha để xin thừa hưởng gia tài. Nếu như ngày xưa Thái tử Tất Đạt Đa không bỏ kinh thành ra đi, thì bây giờ La Hầu La đã được truyền ngôi vua. Nhưng là một người đã buông bỏ hết tất cả, sống đời khổ hạnh, Đức Phật có thể trao lại cho con mình cái gì? Đáp lời La Hầu La, Đức Phật quay sang nói với Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta), một đồ đệ thân tín của Đức Phật: “Hãy thâu nhận nó.” [Như vậy], thay vì được ngôi vua, La Hầu La đã được thừa hưởng con đường đi của cha mình — con đường dẫn tới giải thoát.

Có lẽ còn lâu lắm con trai tôi mới cạo trọc đầu và khoác lên mình chiếc áo cà sa, nhưng tôi vẫn muốn cho con tôi tiếp xúc với những điều căn bản của Phật pháp, những điều đã giúp tôi thay đổi cuộc đời của chính tôi. Khi tôi đọc những đoạn kinh về cách Đức Phật dạy La Hầu La, tôi ngạc nhiên nhận ra rằng những điều này không những vẫn còn mới mẻ mà còn rất thích hợp với việc dạy con ở nước Mỹ này, trong thời hiện đại này. Thật vậy, những bài pháp này đã trở thành kim chỉ nam cho tôi trong việc dạy con.

ĐẠO ĐỨC

Câu chuyện đầu tiên kể về La Hầu La được Đức Phật dạy về lòng chính trực (integrity) như thế nào. Lúc lên 8 tuổi, La Hầu La đã nói dối. Bài Kinh Giáo Giới La Hầu La (Trung Bộ Kinh, 61) kể rằng sau khi tọa thiền xong, Đức Phật đến tìm La Hầu La. Sau khi mời cha ngồi, La Hầu La lấy một thau nước cho cha rửa chân, theo phong tục hồi đó. Sau khi rửa chân xong, Đức Phật hỏi: “Này, La Hầu La, con có thấy chút nước còn lại trong cái thau này không?”

“Dạ, con có thấy” – La Hầu La thưa.

“Đời của một người tu cũng chỉ đáng bằng một chút nước này thôi, nếu như người đó cố tình nói dối.”

Tôi tưởng tượng La Hầu La đỏ mặt lên.

Sau đó, Đức Phật hất đổ hết nước trong thau ra và nói: “Đời của một người tu cũng đáng vất bỏ đi như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.”

Xong, Đức Phật lật cái thau úp xuống và nói: “Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như thế này nếu như người đó cố tình nói dối.”

Và, để nhấn mạnh thêm nữa, Đức Phật lật ngửa cái thau trở lại và nói: “Đời của một người tu cũng trở nên trống rỗng như cái thau này nếu như người đó cố tình nói dối.”

Sau đó Ngài dạy con: “Đối với một người cố tình nói dối, không có một tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm. Vì vậy, La Hầu La, con hãy tập đừng bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa.”

Câu chuyện trên đây nhắc nhở tôi rằng những lời la mắng giận dữ với con cái thực ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật đã rất bình tĩnh, chọn thời điểm đúng lúc để dạy con mà không trừng phạt hay nổi giận với con.

Sau bài thuyết giảng ngắn mà rõ ràng về việc nói dối đó, tôi tưởng tượng La Hầu La đã lắng nghe cha hơn. Sau đó, Đức Phật chỉ dẫn con làm sao để suy xét mọi hành động của mình. “Cái gương dùng để làm gì?” – Ngài hỏi.

“Bạch Đức Thế Tôn, gương dùng để soi” – La Hầu La đáp.

Đức Phật lại dạy : “Trong khi chuẩn bị làm điều chi bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho ta hoặc cho kẻ khác không? Nếu, sau khi đã quán chiếu, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm.”

Tôi chợt nhận ra rằng thay vì dạy cho con mình nhận biết sự khác biệt tuyệt đối giữa đúng và sai, Đức Phật đã dạy cho con mình suy gẫm về lợi ích và có hại. Điều này đòi hỏi cả sự tự tri (self-awareness) lẫn sự đồng cảm (empathy). Đặt nền tảng của đạo đức dựa trên “có lợi” hay “có hại” giúp giải thoát đời sống đạo đức của ta khỏi những khái niệm trừu tượng và những ý niệm chẳng ăn nhập gì tới hậu quả của việc ta làm. “Có lợi” và “có hại” cũng giúp cho con người nhận biết mục tiêu của mình. Những điều ta làm hoặc sẽ đối nghịch hoặc sẽ thuận chiều với con đường ta đang đi.

Phương pháp giáo hoá của Đức Phật khiến cho tôi càng tin tưởng thêm rằng chúng ta cần gieo xuống nơi tâm hồn con trẻ những hạt giống của tình thương, những hạt giống của ý thức về việc mỗi hành động của nó sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Sức mạnh của sự quán chiếu và lòng từ bi sẽ không có được nếu đứa trẻ chỉ biết vâng theo lời của người lớn: “Con hãy biết quán chiếu, và hãy có lòng từ bi!” Những giá trị này chỉ có thể có được qua gương của người khác, nhất là của cha mẹ đứa trẻ.

Đức Phật cũng dạy cho La Hầu La hãy xem xét sau khi làm một việc gì đó, nó có gây tổn hại gì không. Nếu có, thì phải đến gặp một người có tuệ giác và sám hối để tránh lặp lại lỗi lầm trong tương lai. Tôi đã học được cách hướng dẫn con trẻ phát triển lòng chính trực bằng cách nhận ra lỗi lầm của mình. Và lòng chính trực đó tuỳ thuộc rất nhiều vào cách cha mẹ thấy lỗi lầm của con mình ra sao. Cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển đạo đức của con trẻ: nếu cha mẹ cho con trẻ thấy được là nó có thể tin tưởng mình được, là mình chỉ muốn giúp cho con mình trưởng thành hơn là muốn trừng phạt con, thì con trẻ sẽ trở nên thành thật với cha mẹ của chúng hơn.

THIỀN ĐỊNH

Câu chuyện thứ hai nói về việc Đức Phật đã dạy thiền cho La Hầu La ra sao, để phát triển nền tảng của nội tâm (Trung Bộ Kinh, 62). Lúc đó La Hầu La được 10 tuổi. Câu chuyện bắt đầu trong lúc hai cha con đang đi thiền hành. Trong lúc đi, La Hầu Ha chợt thấy hãnh diện về vẻ đẹp của mình, và tư tưởng đó Đức Phật đã đọc được.

Ngài nói với con: “Nhìn bằng con mắt của tuệ giác, cái thân này không phải là tôi (me), không phải là của tôi (mine), không phải là tự ngã của tôi (myself).” Rồi Đức Phật giảng tiếp: ta phải loại bỏ hết tất cả tưởng, hành, thức cũng như bất cứ khái niệm nào về tôi, của tôi, và tự ngã của tôi. Nghe những lời dạy này xong, La Hầu La cảm thấy hổ thẹn, lui về thiền viện, và không thiết đến việc ăn uống gì cả suốt ngày hôm đó.

Tôi cho rằng đây là sự dạy dỗ căn bản cho con trẻ. Tôi không thể tưởng tượng được một em thiếu niên có thể hiểu được những lời Phật dạy như thế. Tôi nhớ lại, rất rõ ràng, rằng ở vào tuổi đó, đầu óc tôi chỉ toàn nghĩ đến dung mạo của tôi ra sao. Tôi thường nghe nói rằng điều này rất là quan trọng cho tiến trình phát triển của các em về “cái tôi”, và quá trình đi tìm kiếm bản thân mình. Có nên trách một em trai 14 tuổi về những ý tưởng phù du như vậy hay không? Có phải Đức Phật đã xen vào những vấn đề nằm trong tiến trình phát triển bình thường của con trẻ, thay vì để các em thảo luận với nhau? Nếu không có hiểu biết về “cái tôi”, làm sao một thiếu niên có thể phát triển thành một người lớn với sự cân bằng về tâm lý?

Đức Phật trả lời những câu hỏi này qua những gì Ngài đã làm cho con của Ngài.

Tối hôm đó, sau khi bị Đức Phật quở trách, La Hầu La đến xin cha dạy cho mình phương pháp thiền quán hơi thở. Trước hết, Đức Phật dùng thí dụ để minh hoạ làm sao đạt được sự thanh thản trong lúc ngồi thiền. Ngài dạy:

“Con phải thiền làm sao giống như đất vậy: đất không cảm thấy phiền vì bất cứ một thứ gì đổ lên đó. Vì vậy, nếu con tập thiền giống như đất, con sẽ không có cảm giác vui thích hay không vui thích về bất cứ một điều gì. Hãy tập thiền như nước, như lửa, như gió, và như không gian: tất cả đều không cảm thấy phiền bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích. Thực tập được như nước, như lửa, như gió, như không gian, tâm của con sẽ không còn vướng bận gì cả.”

Rồi, trước khi dạy cho La Hầu La phép thở, Đức Phật dạy cho con về quán tâm từ như là một phương thuốc giải độc trừ khử ác tâm, về tâm bi để vượt thắng sự tàn ác, về tâm hỷ để thuần phục những sự bất toại nguyện, và về tâm xả để ngăn chặn những bất an, thương ghét.

Sau đó, Ngài mới bắt đầu dạy cho con phép thở qua 16 giai đoạn. Những giai đoạn này chia thành 3 phần: a) tịnh tâm; b) định tâm để nhận biết thân tâm và phát triển tuệ giác; và c) buông xả. Cuối cùng, Ngài nhấn mạnh rằng bằng sự thực tập ý thức từng hơi thở của mình, con người sẽ có khả năng ý thức một cách bình thản hơi thở cuối cùng của mình trước khi từ giã cõi đời.

Khi đọc về cách thức Đức Phật dạy con về phép thở để nhận biết thân tâm của mình, tôi nhận thấy đó cũng là một phương pháp để xây dựng một khái niệm vững chắc về “cái tôi”. Tôi tự nghĩ, phải chăng các em thiếu niên ở thời đại ngày nay hay chấp vào “cái tôi” của mình và có nhiều ý niệm phân biệt mình với kẻ khác, là vì các em không cảm thấy thoải mái với chính bản thân mình và với người khác? Và tôi tin rằng, cái chấp và sự phân biệt ấy sẽ không còn nữa nếu các em cảm thấy an vui được với chính mình cũng như thoải mái với người chung quanh.

Khi giảng dạy thiền cho thiếu niên, tôi nhận thấy khả năng thiền của các em nhảy bực vào khoảng 13-14 tuổi. Có nhiều em có thể nhập thiền rất sâu, tuy rằng các em không duy trì được trạng thái này lâu lắm. Tôi đã biết rất nhiều người trẻ dùng phương pháp thiền định để ổn định tinh thần và tìm về sự thảnh thơi giữa những thử thách của tuổi mới lớn.

Tuy nhiên, thiền quán hơi thở không chỉ ích lợi cho các em thiếu niên, mà nó còn là cuộc hành trình suốt cuộc đời của con người. Đức Phật đã kết thúc bài giảng của mình bằng cách chỉ cho La Hầu La thấy giá trị của việc tập thiền quán hơi thở như thế nào đối với giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.

TUỆ GIÁC

Trong đoạn kinh thứ ba và cuối cùng, Đức Phật đã hướng dẫn La Hầu La trả lời một loạt những câu hỏi về tuệ giác giải thoát (Trung Bộ Kinh , 147). La Hầu La đã dâng trọn thời niên thiếu của mình cho con đường đạt đến giác ngộ; trong một đoạn văn, Ngài được xem là một nhà tu gương mẫu và tinh chuyên. Khi La Hầu La tròn 20 tuổi, Đức Phật biết rằng con trai của mình đã gần đạt đến sự giải thoát. Ngài đã làm một việc rất cảm động: Ngài đi bộ cùng với con vào sâu trong rừng. Ngồi dưới gốc một cây đại thụ già cỗi, Ngài đã hướng dẫn La Hầu La một cuộc pháp đàm rất kỹ về thuyết vô ngã. Đối với một người đã đạt đến trình độ tu tập cao như La Hầu La, những tư tưởng nằm sâu trong tiềm thức về cái ngã là chướng ngại cuối cùng của sự giải thoát. Ngồi nghe Đức Phật giảng, La Hầu La đã chứng được tự tính vô ngã của vạn pháp, và đó chính là bước cuối cùng giúp La Hầu La đạt đến sự giải thoát trọn vẹn.

Thuyết vô ngã của Đức Phật không phải là đơn giản. Người ta rất dễ hiểu lầm nó là một triết thuyết trừu tượng, mà không thấy được thực ra đó chính là những lời dạy rất thực tế về việc làm sao để tìm thấy hạnh phúc bằng cách buông bỏ hết tất cả. Đối với tôi, việc Đức Phật dạy con về thuyết vô ngã trong rừng sâu rất cần thiết. Tôi thấy mình có cái nhìn khác khi ở giữa thiên nhiên so với khi ở giữa phố thị. Tôi nhận thấy cảm giác an lạc và thảnh thơi mà thiên nhiên mang lại giúp mình dễ thoát ra được cái “ngã” hơn. Quán chiếu về sự buông xả trong khi đọc muột cuốn sách về Phật pháp khi ngồi ở trong nhà rất là khác với khi mình ngồi dưới một gốc cây. Trong khi đọc bài pháp thứ ba này, tôi chiêm nghiệm được sự quan trọng của việc biết mình (tự tri) giữa khung cảnh thiên nhiên.

Ngày xưa, lúc La Hầu La 7 tuổi, đến xin với cha được thừa hưởng gia tài, Ngài đã không hề tưởng tượng được là 13 năm sau đó, Ngài đã được thừa hưởng một gia tài quý báu nhất mà một người làm cha mẹ có thể để lại cho con của mình. Trong Phật giáo, giác ngộ là hạnh phúc lớn lao nhất. Tôi ước mong con cái của tôi sẽ tìm thấy sự an lạc, thảnh thơi, và an lành trên con đường đi tới giải thoát. Có lẽ, trên con đường trở thành người lớn, chúng cũng sẽ được dạy về đạo đức, thiền định, và tuệ giác [như La Hầu La vậy].
Hoài Hương chuyển ngữ

E-mail: hoaihuong_2003@yahoo.com

Tiến sĩ Gil Fronsdal đang giảng dạy Thiền tại Insight Meditation Center ở Redwood City, California, USA. Ông có vợ và hai con.

Chuyên mục:Giáo dưỡng con trẻ

Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

cute-baby11

Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Mới đó mà đã hơn 30 năm! Thời gian trôi nhanh thật. Những chú nhóc ngày nào được các bà mẹ, ông bố trẻ lo âu thắc thỏm bế đến tôi thì nay đã lại thấy ẳm những chú nhóc khác- là con của chú- đến nữa rồi… Vẫn những âu lo đó. Vẫn những băn khoăn thắc mắc đó. Dù khoa học kỹ thuật, dù y học đã thay đổi, tiến bộ không ngừng mà tấm lòng người làm cha, làm mẹ thời nào cũng vậy, chẳng mấy chút đổi thay. Còn các bà mẹ, ông bố lúng túng lọng cọng ngày nào bây giờ đã là những ông bà nội ngoại, mà vẫn cứ còn lọng cọng lúng túng như xưa dù tóc đã bạc màu với tháng năm, vẫn tất tả lo toan thay ba mẹ bé bận bịu trăm công ngàn việc.

Nhiều bà nội bà ngoại kêu ca vất vả mà trong ánh mắt như tràn ngập niềm vui bởi đuợc nựng nịu, bồng bế, chăm sóc bé, đôi khi còn không tin tưởng lớp trẻ, bảo chúng nó chẳng biết gì, chỉ biết…đẻ thôi! Thời đại chúng ta bây giờ mọi việc trở nên không đơn giản, hình như còn lắm nỗi khó khăn hơn cho bà mẹ trẻ. Truyền thông tiếp thị đi vào mọi ngõ ngách, vào giấc ngủ, bữa ăn, gây bao nỗi hoang mang. Con người như ngày càng xa rời thiên nhiên, ngày càng  bị cuốn hút vào dòng xoáy của những lệ thuộc, của những nhu cầu giả tạo.  Nhiều ông bố bà mẹ bây giờ mặc sức tranh cãi và thậm chí đem đủ thứ sách trích dẫn Tây, Tàu để giành phần thắng mà cuối cùng chỉ tội nghiệp đứa trẻ bơ vơ hơn bao giờ hết! Mọi thứ cứ như máy móc hoá, kế hoạch hoá. Bố mẹ bận bịu làm ăn, đầu tắt mặt tối, giao cho người khác nuôi con. Tôi có dịp gặp những bà mẹ  cân đong đo đếm đến từng gram bột đường, từng gram trái cây, mà bé cứ ngày còm cõi, bơ phờ; tôi có dịp gặp những bà mẹ có hẳn một thực đơn phong phú tính từng calori, với hằng chục thức ăn thay đổi liên tục trong tuần mà trẻ cứ còi cọc, không phát triển! Trẻ không biết nói, không biết kêu ca, bị ép ăn như một cái máy, ép nghe nhạc cổ điển tậy phương…  Nếu trẻ kêu lên được, tôi nghĩ có lẽ chỉ kêu một tiếng, mẹ ơi, con cần mẹ, con cần mùi mồ hôi của mẹ, cần tiếng ru của mẹ, cần vòng tay của cha, bờ vai của cha. Điều  thú vị là trong khi đó, tại các nước phát triển lại có  phong trào “về nguồn”, sinh đẻ tự nhiên, nuôi con phù hợp với từng đứa trẻ, cho bú sữa mẹ lâu dài, cho trẻ gần gũi với thiên nhiên…

Tôi chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã cho tái bản (lần thứ 12) cuốn sách này- được cập nhật và bổ sung đầy đủ- nhân dịp tôi chính thức về hưu như  một món quà nhỏ gởi đến các ông bố,bà mẹ trẻ mới sinh con đầu lòng. Cuốn sách là những lời tâm tình, chia sẻ của một người vừa là thầy thuốc vừa là người cha những năm xưa nay đã trở thành ông nội, ông ngoại của mấy nhóc nhỏ rồi!

Thời gian trôi nhanh thật!

TP. HCM tháng 3-2006
BS Đỗ Hồng Ngọc

Category: Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng  | Tags: BS Đỗ Hồng Ngọc, BS Do Hong Ngoc, Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng

You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

3 Responses

  1. Nguyên Thuần nói:

Tháng Năm 13, 2009 lúc 3:52 chiều

Kinh thưa Bác,

Con là Minou – là con gái của “Phan Như”. Năm ngoài me con qua Mỹ có đem theo quyển “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” của bác cùng lời đề tặng cho con. Con rất cảm động và rất muốn gởi lời cảm ơn đến bác. Gần một năm sau, con mới viết được những dòng cảm ơn này gởi đến bác do ba con mới cho con địa chỉ website này sáng nay. Ba con dặn con và chị con nhớ vào đọc thường xuyên để biết rõ hơn chuyện nuôi dạy con.

Con xin được cảm ơn bác đã tặng con một quyển sách rất hữu ích cho những ngày đầu làm mẹ bỡ ngỡ của mình!

Con xin được kính chúc bác và gia đình được nhiều sức khoẻ!

Con,
Minount

  1. admin nói:

Tháng Năm 14, 2009 lúc 8:47 chiều

Bài thấy trên một blog:

Cuốn sách yêu thích của mẹ

Chính là cuốn sách mà mẹ đã trích một phần trong đó làm lời ngỏ cho cuốn nhật ký này. Cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” của bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc.
Ngay từ hồi nhỏ, mẹ khá là thích đọc. Đọc đủ thứ. Báo có, tạp chí có, truyện tranh có, tiểu thuyết có, truyện dài kỳ có và cả truyện chưởng cũng có. Đến bây giờ mẹ cũng vẫn còn giữ vài bộ truyện tranh (Conan, Songoku), vài bộ truyện dài kỳ thiếu niên (TKKG, Kính vạn hoa, Harry Potter…), vài cuốn tiểu thuyết,… Chỉ có điều, mẹ đọc hay quên, đọc đi rồi đọc lại vẫn thấy như mới!

Vì thế, khi chuẩn bị sinh con, mẹ cũng vừa đi mượn, vừa đi lùng vài cuốn sách làm cẩm nang để chuẩn bị cho con chào đời. Và cuốn sách ấn tượng nhất với mẹ chính là cuốn của bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc.

Cuốn sách này mẹ vô tình tìm thấy được trong tủ sách của nhà mình ở Nam Định. Bìa sách đã cũ, hình ảnh không còn được tươi mới, giấy in đã sờn nhưng không hiểu sao mới đọc lướt vài trang mẹ đã thấy rất ấn tượng. Bác sỹ Ngọc không phải viết theo phong cách của một bác sỹ cho các đồng nghiệp, không phải cho thân nhân người bệnh, cũng không phải theo khuôn mẫu của một sách giáo khoa khô khan. Bác sỹ viết như người bạn viết cho người bạn, người anh, người chú lớn tuổi nhiều kinh nghiệm viết cho những người em bắt đầu làm bố, làm mẹ. Lời lẽ thân thiện, dễ gần, hình ảnh sống động, dễ hiểu, trình bày khoa học, dễ tra cứu. Quả thực, mẹ học được rất nhiều từ cuốn sách và cũng đã nhiều lần cuốn sách đã giải tỏa cho mẹ những ưu tư như chuyện “sa ruột rốn”, chuyện tiêm phòng, chuyện ăn uống,.. của con, rồi cả những hủ tục, những quan niệm sai lầm khi nuôi con của các bà mẹ ngày xưa.

Mẹ rất thích cuốn sách, đọc đi đọc lại nhiều lần, ngẫm nghĩ những điều nằm ngoài chuyên môn mà bác sỹ Ngọc đã gửi gắm. Mẹ cảm thấy việc sinh con, nuôi con ý nghĩa hơn. Mẹ cũng cảm thấy trách nhiệm của bố và mẹ lớn lao hơn khi giờ đây, bố mẹ là người cha, người mẹ và trước kia, bố mẹ cũng là những người con bé bỏng và ông bà nội ngoại đã phải vất vả ra sao mới có bố mẹ, có con như bây giờ.

Mẹ tìm hiểu nguồn gốc của cuốn sách thì hóa ra, đây là cuốn sách mà bố con ngày trước đã tặng cho bác Quý khi bác Quý chuẩn bị sinh anh Dũng (năm 1994). Có lẽ mẹ phải cảm ơn bác Quý rất nhiều vì đã giữ được cuốn sách đến bây giờ để mẹ được đọc, được học cái bản lĩnh khi nuôi con của bác.

Và hình như, đây cũng là cái duyên của bố và mẹ!

Nov 18, 2007

  1. Bac Si Do Hong Ngoc nói:

Tháng Năm 17, 2009 lúc 8:28 chiều

Cam on chau. Bac va Bo Phan Nhu cua chau van thuong gap nhau qua dien thoai, email. Bo chau ngay cang viet hay va viet nhieu.
Bac chuc cac chau khoe, vui.
Bac Ngoc.

( nguồn: dohongngoc.com )

Chuyên mục:Giáo dưỡng con trẻ

Thế giới bí mật của trẻ em

trecon

Thế giới bí mật của trẻ em

Thérèse Gouin – Décarie
Nguyễn Hiến Lê dịch

Giới Thiệu

Nghề làm cha mẹ là nghề xuất hiện sớm nhất, ngay từ khi có loài người, và phổ biến nhất vì có những người sống độc thân cũng muốn có con nuôi. Nhưng điều ít ai nhận định được là nghề đó cũng quan trọng nhất và khó nhất.

Quan trọng nhất chẳng phải chỉ vì cha mẹ có nhiệm vụ đào tạo con người, hễ con người hư hỏng thì xã hội sẽ tan rã vì trong bất kỳ tổ chức nào, hoạt động nào, yếu tố “người” vẫn là yếu tố quyết định ; mà còn vì lẽ cha mẹ dạy dỗ con ra sao thì lớn lên, nó lại dạy dỗ con nó như vậy, thành thử nếu đời trước mà lầm lẫn – hoặc nghiêm khắc quá tới nỗi con cái sinh lòng oán hận, hoặc nhu nhược quá, để chúng hư đốn – thì cái hại có thể truyền đến đời sau, đời sau nữa. Chúng ta thường nói tới cái “nếp” nhà – nếp có thể tốt mà cũng có thể xấu – là nghĩa vậy.

Khó nhất vì trẻ là cả một thế giới bí mật : dưới một tuổi, nó chưa biết nói, chỉ biểu lộ cảm xúc, ý muốn bằng nụ cười tiếng khóc, ta khó đoán được ; hồi hai ba tuổi nó nói tuy gọi là sõi rồi, nhưng ngôn ngữ vẫn có những ý nghĩa khác ngôn ngữ của ta nên nhiều khi ta hiểu lầm, lại thêm phản ứng của trẻ mỗi đứa một khác, mỗi giai đoạn một khác, đúng như nhiều bà mẹ thường nói : “không biết đâu mà mò”.

Mà lạ lùng thay, nghề nào loài người cũng lưu lại kinh nghiệm cho đời sau – những sách thuốc, sách về nông nghiệp đã có từ mấy ngàn năm trước – duy có nghề làm cha mẹ, vừa phổ biến, quan trọng và khó như vậy thì trước thời hiện đại chẳng thấy có một cuốn nào cả. Trong hai thế kỷ trước, một số nhà giáo dục lác đác viết được ít cuốn, nhưng toàn là bàn về đạo đức, về lý thuyết : phải tập cho trẻ những đức nào, bản tính của trẻ là thiện hay ác, giáo dục có nghĩa là uốn nắn hay chỉ giúp cho trẻ phát triển theo thiên nhiên… ? Cơ hồ như cổ nhân cho rằng hễ có con thì tự nhiên ai cũng biết cách nuôi con, dạy con chẳng cần phải học ; và thế hệ trước có chút kinh nghiệm nào thì chỉ truyền miệng lại cho thế hệ sau, không ai gom lại thành hệ thống mà viết thành sách chỉ sự phát triển về thể chất cùng tâm lý, tinh thần của trẻ ra sao.

Mãi tới cuối thế kỷ trước, người phương Tây mới bắt đầu dùng phương pháp khoa học nghiên cứu tâm lý của trẻ, và trước thế chiến vừa rồi, mới có những cuốn trình bày các trắc nghiệm để tìm hiểu trẻ. Nhưng những tác phẩm đó hầu hết đều khô khan, có tính cách chuyên môn, viết cho các nhà giáo dục hơn là các bậc cha mẹ.

Theo chỗ tôi biết, cuốn đầu tiên viết về sự phát triển tâm lý của trẻ một cách giản lược nhưng đầy đủ, sáng sủa mà vui, ai có trình độ Trung học cũng có thể hiểu được, là cuốn Le développement psychologique de l’enfant của bà Thérèse Gouin-Décarie mà hôm nay tôi xin giới thiệu với độc giả. Bà là người Gia Nã Đại gốc Pháp, làm Giáo sư ở Đại học Montréal, năm 1952-1953 viết một loạt bài đọc trên Đài phát thanh Gia-Nã-Đại. Những bài này được hoan nghênh nhiệt liệt và thính giả yêu cầu bà in thành sách, nhà Ottawa xuất bản năm 1953, rồi nhà Fides ở Montréal và Paris tái bản không biết lần thứ mấy năm 1969.

Trong hai chục bài, bà nêu lên cả trăm vấn đề, dắt dẫn chúng ta vào cái thế giới bí mật và kỳ thú của trẻ, từ khi nó còn là cái thai cho tới khi nó tới tuổi dậy thì. Mỗi bài trình bày một giai đoạn phát triển về tinh thần, tâm lý của trẻ ; hầu hết bài nào bà cũng dùng những phát kiến, những thí nghiệm mới nhất của các nhà chuyên môn hiện đại về tâm lý nhi đồng, như của Arnold Gesell, Margaret Ribble, Jean Piaget, René Spitz…

Chỉ bỏ ra một buổi đọc tác phẩm của bà, chúng ta cũng hiểu được trẻ hơn là nuôi nó trong 10 năm. Chúng ta hiểu được :

 

  • Tại sao hồi hai tuổi em bé nào cũng luôn miệng “không, không”, bảo nó làm gì nó cũng phản kháng, dỗ dành nó cách nào nó cũng cự tuyệt ;
  • Tại sao hồi bốn tuổi, em nào cũng suốt ngày hỏi “Tại sao?” ;
  • Tại sao cứ sau một giai đoạn trẻ rất ngoan ngoãn dễ bảo, lại tiếp theo một giai đoạn nó rất bướng bỉnh, khó dạy ;
  • Tại sao có hồi nó rất nhút nhát, lại có hồi rất hay gây lộn ;
  • Tại sao trẻ mười, mười một tuổi suốt ngày ở ngoài đường, nghe lời bạn bè hơn là nghe lời cha mẹ, tập tành hút thuốc, chơi thò lò ; mà chưa nhất định là hư hỏng ; vân vân…

Chúng ta sẽ biết ngôn ngữ, trí tuệ, óc tưởng tượng, ý niệm về đạo đức, tinh thần hợp quần, tinh thần tự do và độc lập… xuất hiện vào thời nào và phát triển lần lần ra sao.

Và chúng ta sẽ ngạc nhiên nhận ra điều này là tất cả những sự phát triển đó, tất cả những phản ứng của trẻ, mặc dầu mỗi đứa mỗi khác, mỗi tuổi một khác, nhiều khi kỳ cục, ta không hiểu nổi, thực ra đều có lý do, đều theo một luật thiên nhiên bất di bất dịch, là trẻ luôn luôn tập thích ứng với thế giới bên ngoài mà đồng thời vẫn giữ cá tính riêng, lần lần tự lập để thoát li được cha mẹ.

Hiểu như vậy thì khi nó bướng bỉnh, khó dạy, ta không bực mình nữa, có phần còn mừng vì thấy nó ngây thơ vụng về nhưng đã tiến bộ, cá tính đã bắt đầu biểu lộ ; và ta sẽ nhận ra bổn phận của ta là giúp cho nó sớm tự lập, mà khi nó tự lập được rồi, tách ra khỏi ta để sống đời của nó, lo cho con nó cũng như ta đã lo cho nó, thì lẽ đó chỉ là tự nhiên, như tục ngữ đã nói : “Nước chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược”. Cái dòng sinh sinh hóa hóa bất tuyệt nhất định phải như vậy. Con ta không phải là của ta: “Trời Phật – hoặc xã hội, dân tộc – tạm gởi nó cho ta đấy”. Muốn tập cho nó quyến luyến với nguồn thì chỉ có cách một mặt chính ta phải nghĩ tới nguồn, mặt khác chỉ nghĩ tới hạnh phúc của nó thôi.

Tuy nhiên, chỉ theo luật thiên nhiên thì còn khiếm khuyết, ta còn phải tập cho trẻ “vừa nhận mà vừa cho”, biết hưởng những cái vui thì cũng phải chịu những cái khổ vì đời sống không phải chỉ gồm toàn những vui thích, mà sống không phải là chỉ để hưởng lạc.

Về điểm đó, như các nhà giáo dục danh tiếng khác, chẳng hạn bác sĩ Benjamin Spock, bà Thérèse Gouin Décarie có một quan niệm xác đáng, rất mực yêu trẻ, khoan dung mà vẫn nghiêm. Từ sau thế chiến thứ nhất, cá nhân có xu hướng phóng túng, mọi kỷ luật bị coi là bó buộc, tôi thấy lời khuyên của bà đáng cho chúng ta suy ngẫm, nên xin dịch tác phẩm của bà, sau khi sửa đổi một chút cho hợp với nước mình, để tặng các bậc cha mẹ, nhất là những vị còn trẻ, hoang mang, thấy nhiệm vụ của mình quá khó và quá nặng. Những vị đó đọc kỹ rồi chiêm nghiệm thì sẽ đỡ bạc đầu, như tác giả nói.

Saigon ngày 15-3-1972.

NGUYỄN HIẾN LÊ

Chuyên mục:Giáo dưỡng con trẻ